CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
QUY ƯỚC
TỘC HỌ CAO ĐĂNG
LỜI MỞ ĐẦU
Quy ước (hay còn gọi
là Tộc ước) dòng họ là những quy định cụ thể trong tổ chức hoạt động của dòng
họ; có chức năng giúp điều tiết các mối quan hệ giữa tập thể và các cá nhân
trong phạm vi một dòng tộc, được mọi người công nhận và tự giác chấp hành. Tộc
ước là một trong những văn bản quan trọng nhất, cùng với gia phả, nhà thờ
dòng tộc, mộ phần tổ tiên dòng tộc… tạo nên những giá trị vật thể, phi vật thể,
giúp cho dòng họ trường tồn và phát triển.
Mục
đích lập Quy ước này là tập hợp, đoàn
kết tất cả những người con họ Cao Đăng làng Mân Trung, phường Đông Lĩnh TP.
Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và những người con họ Cao Đăng có nguồn gốc phường
Đông Lĩnh sống mọi miền đất nước, có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn. Giữ
gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dòng tộc. Tạo sự thống nhất trong hoạt
động của dòng họ. Với phương châm: Tìm về cội nguồn; Tri ân Tổ tiên; Động viên
con cháu; Hướng tới tương lai.
Dòng họ Cao Đăng ta từ tỉnh Hải Dương vào làng Mân Trung Đông Lĩnh TP
Thanh Hóa sinh cơ lập nghiệp, lập họ từ năm 1680, đến nay đã được trên 340 năm,
với 11 đời con cháu. Nối dõi Tông đường, con cháu họ Cao đã không ngừng chăm lo
công việc họ mà cha ông để lại. Tuy nhiên quá trình xây dựng và phát triển từ
340 năm thành lập đến nay, Dòng họ chúng ta chưa thấy có văn kiện nào nói về
quy ước. Chính vì vậy để duy trì việc họ, làm cho các hoạt động dòng họ Cao
Đăng chúng ta ngày càng quy củ, nề nếp, chúng ta cần xây dựng bản quy ước của
dòng họ, để mọi thành viên trong dòng họ thống nhất thực hiện làm cơ sở Ban tổ
chức điều hành công việc của họ, xây dựng Họ ta ngày càng phát triền bền vững.
Chương I: TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ
Điều 1: Mọi con cháu họ Cao Đăng làng Mân Trung dù sinh
sống ở đâu, trong nước Việt Nam hay ở nước ngoài, không phân biệt gái trai, già
trẻ, giàu nghèo, nếu thừa nhận phương châm Quy ước này và tự nguyện chấp hành
đều được tham gia mọi hoạt động của dòng họ tổ chức.
Điều 2: Hệ thống tổ chức Dòng họ gồm có:
1- Ban tổ chức
dòng họ số lượng 14-15 thành viên, gồm trưởng họ, trưởng chi (không phải bầu). Mỗi
phố cử những người có uy tìn, điều kiện vào Ban tổ chức. Yêu cầu những người
cao tuổi từ 60 trở lên tham gia Ban tổ chức cùng con cháu để có đủ trí tuệ bàn
bạc việc họ.
2- Trưởng ban tổ chức là
Trưởng họ (nếu vì lý do nào đó thì Trưởng Ban tổ chức có thể là người có uy tín
trong họ không phân biệt chi Nhất, chi Hai). Ban tổ chức bầu ra các phó ban,
trong đó có 1 phó ban làm nhiệm vụ kế toán; 1 phó ban làm nhiệm vụ thủ quỹ, các
thành viên còn lại do trưởng ban phân công và chịu trách nhiệm trước trưởng ban
với nhiệm vụ được giao của mình.
3- Bộ phận thường trực, gồm 5 thành viên: Trưởng Ban tổ chức 1 người, phó
ban kế toán 1, Phó ban thủ quỹ 1, Ban khuyến học 1, Ban khánh tiết 1 người. Có
nhiệm vụ giải quyết công việc hàng ngày: Phụ trách xây dựng, tài chính, đối
ngoại, hiếu hỉ, ma chay….
4- Ban Khuyến học - Văn hóa xã hội, 2-3 người
3- Ban khánh tiết - Quản lý nhà thờ, 4-5 người.
4- Ban gia phả, biên tập Bản tin nội tộc và Trang tin điện tử, 2-3 người.
Điều 3: Thời gian hoạt động của Ban tổ chức
họ nhiệm kỳ là 5 năm.
- Ngày Đại hội cụ thể sẽ chọn vào ngày giỗ Tổ 14/7.
Điều 4: Nhiệm vụ các
thành viên Ban tổ chức.
- Mỗi thành viên phải phấn đấu là cầu nối giữa Ban tổ chức với các gia
đình trong phố, trong địa bàn mình phụ trách.
- Chịu trách nhiệm triển khai các chủ trương của Ban tổ chức dòng họ đến
các thành viên trong họ.
- Trong một nhiệm kỳ phải làm được ít nhất một công việc cụ thể nào đó
theo các định hướng nhiệm vụ mà Hội nghị đã đề ra, được Ban tổ chức dòng họ
phân công.
Điều 5: Nhiệm vụ Trưởng họ (Tộc trưởng) - Trưởng Ban tổ chức:
Trưởng họ là người cùng huyết thống, thường do con trưởng hoặc
cháu trưởng chi thứ Nhất nắm giữ, trường hợp Trưởng họ ở xa, có thể là con thứ,
cháu thứ của chi thứ Nhất nếu đủ điều kiện, năng lực và được dòng họ suy
tôn thay Trưởng họ để lo việc họ.
Trách nhiệm Tộc trưởng:
Là người đứng ra giải quyết tất cả việc trọng đại của dòng họ; giải
quyết các mối quan hệ trong dòng họ, quan hệ xã hội liên quan đến dòng họ và
giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong dòng họ.
Có trách nhiệm tổ
chức trông nom, giữ gìn bảo quản nhà thờ, lăng mộ họ; tổ chức các kỳ cúng lễ,
chủ trì các nghi lễ lớn trong dòng họ. Là người chủ tế trong các buổi tế lễ.
Được họ ủy quyền đứng ra làm thủ tục cấp sổ Quyền sử dụng đất và tài sản
trên đất của nhà thờ họ theo Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013, và là người
quản lý sổ đỏ nhà thờ họ.
Tộc trưởng là người đứng ra tiếp nhận các nguồn tài trợ của các cá nhân
hay tập thể và báo cáo với Ban tổ chức dòng họ trong cuộc họp gần nhất.
Chương II: HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BỘ PHẬN
Điều 6: Hoạt động
của Ban tổ chức - Ban Thường trực
- Thường niên tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tổ tiên ngày Giỗ khởi Tổ
14/7, Ngày giỗ Trưởng chi Nhất 20/7, Trưởng chi Hai 16/3, ngày Rằm tháng Giêng
và Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm. Các ngày Tuần trong tháng.
- Tổ chức việc giao lưu, hội họp trong dòng họ thông qua các phương tiện
hiện có.
- Phối hợp với chính quyền địa phương giữ vững quy hoạch khu Nhà thờ họ
Cao Đăng, bảo đảm tính pháp lý và lâu dài. Tiếp tục kêu gọi, huy động bà con họ
tộc, con cháu hảo tâm đóng góp sức người sức của để nâng cấp Nhà thờ họ và lăng
mộ tổ ngày càng khang trang kiên cố hơn.
- Lập sổ sách các thành viên trong họ (Số hộ, Sinh, Tử…) để theo dõi
biến động dân số trong họ.
- Ban tổ chức thay mặt dòng họ có quan hệ ngoại giao với các họ khác
trong làng, tham gia Tế lễ, Hội làng. Tạo và giữ mối đoàn kết làng xã. Tổ chức
thăm hỏi, phúng viếng những người cao tuổi trong họ và các họ khác trong làng.
- Thống nhất để cử một người trong dòng họ
quản lý trông coi, thắp hương ngày mùng 1 và ngày rằm, quét dọn vệ sinh hàng
tháng nhà thờ. Mức chi tiền; đ/ tháng ( ) gồm: tiền hương vàng, hoa quả, bánh kẹo và công (mức chi này do ban tổ chức
qui định theo từng thời điểm).
Điều 7: Hoạt động của Ban khánh tiết - Quản lý nhà
thờ:
Quản lý, bảo dưỡng, tu sửa xây dựng từ đường và mộ tổ, phân công, tổ
chức các nghi lễ ở nhà thờ họ vào các ngày Mồng Một, 15 hàng tháng, Tết Nguyên
Đán.
Ngày giỗ tổ 14/7 AL hàng năm được tổ chức theo nghi lễ sau:
Trước đó, 7h30 ngày 13/7: Tổ chức đi thắp hương mộ phần và thực hiện các
nghi lễ tại nhà thờ, các thành viên trong họ có điều kiện phải có trách nhiệm
đến nhà thờ tu lễ và làm giỗ tổ ngày
14/7.
Điều 8: Hoạt động của
Ban khuyến học - Văn hoá xã hội
- Lập quỹ khuyến học
khuyên tài: Kêu gọi các thành viên qua Đại học trở lên đã có việc làm, những
người thành đạt trong họ tham gia đóng góp.
- Tổ chức trao quỹ khuyến
học, khuyến tài cho các đối tượng: các cháu thi đậu THPT công lập, dân lập, học
sinh giỏi cấp tỉnh, các cháu đỗ Đại học, Trung cấp, Cao đẳng, người làm luận án
Thạc sỹ, Tiến sỹ. Người có Đề tài cấp Quốc gia.
- Tổ chức trao Kỷ niệm
chương cho: Người làm kinh tế giỏi. Người giữ chức vụ từ hàng ngũ Giám đốc, Phó
Giám đốc Sở, Ban ngành trở lên. Thời gian trao quỹ vào dịp ngày giỗ Tổ 14/7 AL.
Động viên họ tộc xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa theo tiêu
chí của địa phương.
Điều 9: Hoạt động của Ban gia phả.
Tham mưu cho Ban tổ chức: - Chuẩn bị các điều kiện để tái bản Gia phả họ
Cao Đăng những lần tiếp, bằng việc thu thập các thông tin, tài liệu qua đại
diện các phố, qua Ban tổ chức, bổ sung gia phả ngày càng hoàn thiện.
- Duy trì hoạt động trang Website (trang tin điện tử) của dòng họ Cao
Đăng - Mân Trung, đã có từ năm 2018.
- Kết nối các thành viên trong dòng họ Cao Đăng làng Mân Trung, bằng
việc: lập các nhóm Zalo thông qua mạng Internet để tiện trao đổi thông tin,
hình ảnh, chia sẻ các hoạt động của họ.
Điều 10: Hoạt động
của đại diện các phố, địa bàn ngoài phường
-Triển khai thực hiện ở phố mình các chủ trương của Ban tổ chức, Phát
hiện những gương người tốt, việc tốt, những trường hợp khó khăn cần sự giúp đỡ
để tìm biện pháp hỗ trợ.
- Lập sổ sách các thành viên của phố mình (Số
hộ, Sinh, Tử…) để giúp ban tổ chức nắm được tình hình biến động số hộ, dân
số, gia cảnh các thành viên trong họ hàng năm… bổ sung tư liệu mới vào Gia phả.
Điều 11- Lịch sinh
hoạt
- Ban Thường trực ít nhất 3 tháng họp một lần và 2 lần trước ngày Giỗ
Tổ, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy.
- Ban tổ chức dòng họ mỗi năm họp 2 lần, nhiệm kỳ ít nhất họp hai lần
vào đầu và cuối nhiệm kỳ. Trường hợp cần thiết thì liên hệ qua điện thoại hoặc
các thông tin liên hệ khác.
- Dòng họ thống nhất qui định 3 năm họp
mở rộng 1 lần.
- Tế Tổ 5 năm tổ chức một lần vào ngày giỗ
tổ 14 tháng Bảy.
Tất cả
các con cháu trong dòng tộc phải có mặt đông đủ để Tổ chức Lễ dâng
hương tổ tiên tại nhà thờ họ, nghe ban tổ chức báo cáo tình hình hoạt động của
dòng họ trong năm qua, phương hướng nhiệm vụ của dòng họ trong năm tới và báo
cáo công khai tài chinh.
Các khu vực khác ngoài phường Đông Lĩnh, TP
Thanh Hóa, như khu vực Hà nội, Thành phố HCM, Đà Nẵng …, thì lập các ban liên
lạc làm đầu mối giao lưu với ban tổ chức.
Điều 12: Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm mọi
thành viên
I- Quyền lợi
1– Được tham gia, đóng góp ý kiến vào các
hoạt động của dòng Họ.
2– Được thăm hỏi khi ốm đau, khi gặp khó khăn
hoạn nạn như thiên tai, hỏa hoạn.
3- Được khen thưởng khi có thành tích học tập
xuất sắc, thi đỗ các trường THPT, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, những người
thành đạt trong công việc.
4- Chúc thọ khi đủ 70, 75, 80, 85, 90, 95
tuổi (từ 90 tuổi trở lên thì năm nào cũng
được Chúc thọ). Phúng viếng khi qua đời, gồm: bức chướng, hương vàng, tiền
mặt và thống nhất ghi tiêu đề bức chướng “ Dòng họ Cao Đăng phường Đông Lĩnh
kính viếng”…
Mức chi thăm hỏi, chúc thọ phúng viếng: theo
từng giai đoạn
5– Khi các gia đình (hộ) có thành viên lấy vợ
hoặc chồng, thì khuyến khích đôi vợ chồng mới đến dâng hương tại nhà thờ tổ để
tỏ lòng thành kính đối với cội nguồn tổ tiên, dòng Họ và nhập khẩu vào sổ hộ
tịch của dòng họ.
6– Giám sát các hoạt động của ban tổ
chức trong việc tổ chức các hoạt động và chế độ quản lý tài chính, quản lý cơ
sở vật chất (của Họ), tham gia đầy đủ các buổi họp họ, khi phát biểu phải có
tính xây dựng.
II- Nghĩa vụ và trách nhiệm:
1– Tham gia đầy đủ và làm tròn trách nhiệm
các hoạt động của dòng Họ.
Bảo vệ tài sản của nhà thờ họ, ngăn chặn mọi
hành vi xâm hại tới nhà thờ, lăng mộ Họ. Giữ gìn nhà thờ sạch sẽ gọn gàng. Ngày
mùng 1 Tết Nguyên Đán hằng năm khuyến khích các gia đình sửa lễ dâng hương
tưởng niệm Tổ tiên tạị nhà thờ họ.
2– Đóng góp quỹ họ
hằng năm đầy đủ đúng thời hạn (vào dịp giỗ tổ 14/7). Quỹ đóng góp này tính theo
Đinh đã lập gia đình, mặc dù còn ở chung với cha mẹ đều là hộ gia
đình trong gia tộc, phải có trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng góp
xây dựng Tộc họ. Không miễn trừ cho thành viên nào kể cả người cao tuổi.
Trường hợp Đinh đã quá cố thì bà vợ vẫn tham gia sinh hoạt họ. Mức đóng năm
2022 là 100.000VNĐ/ Đinh (đã có vợ). Khuyến khích con cháu đóng góp quỹ
khuyến học của tộc.
3- Phải có trách nhiệm trong việc tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền
thống gia tộc. Con cháu trong dòng tộc phải xưng hô theo đúng trật tự trên
dưới, theo từng đời, từng chi, không kể tuổi cao hay ít tuổi, tránh sự chia rẽ
mất đoàn kết. Noi dấu tiền nhân,
sống biết tôn trọng đạo lý, cần kiệm, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường
dưới, thật sự yêu thương đùm bọc, nhắc nhở, giúp đỡ nhau làm tròn nghĩa vụ đối
với gia đình, gia tộc và xã hội.
4- Trong từng gia
đình, các thành viên sống có trách nhiệm với nhau. Mọi bất hòa nên lấy nghĩa
tình mà giải quyết. Lấy hiếu thảo, thương yêu, nhường nhịn mà cư xử với nhau. Tuân
thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, quy định của
địa phương và các điều khoản của Tộc ước.
5- Quan hệ hôn nhân
theo đúng pháp luật. không kết hôn trong cùng dòng tộc hoặc đang có quan hệ nội
ngoại trong tộc, không được tảo hôn, ép cưới, thực hiện hôn nhân tự nguyện. Thực
hiện tốt chinh sách dân số kế hoạch hóa gia đình.
6- Tộc có trách nhiệm
thường xuyên theo dõi, giáo dục lối sống đạo đức cho con cháu. Khi có việc tốt
thì kịp thời biểu dương, khen thưởng. Khi có sai trái thì uốn nắn kịp thời.
Chương III: QUẢN LÝ NHÀ THỜ HỌ VÀ LỄ TẾ HÀNG NĂM
Điều 13: Quản lý và
hoạt động tại Nhà thờ.
Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, là nơi hội tụ hội họp của
họ. Cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài
vị những điển tích về dòng họ, những di vật của tổ tiên. Được coi như một bảo
tàng thu nhỏ của dòng họ, nên cần được quản lý chăt chẽ. Đất đai trong khuôn
viên Nhà thờ cùng các tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở
hữu và là tài sản vô giá của dòng họ; cấm mọi hành vi cho mượn, cho thuê, cầm
cố, thế chấp, mua bán.
Về Sổ đỏ, nhà thờ Họ Cao Đăng đã
được cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác
gắn liền với đất”, với diện tích 112m2, được Nhà nước công nhận Quyền
sử dụng đất, lâu dài.
Đồ thờ phải được giữ nguyên vị trí đã sắp đặt. Mọi sự thay đổi, bổ sung
đồ thờ phải được sự đồng ý của Ban Tổ chức dòng tộc.
Việc tu sửa, nâng cấp nhà thờ họ do Ban tổ chức dòng họ đề nghị, Hội
nghị toàn họ quyết định.
Nhà thờ và các tài sản thuộc nhà thờ: Sổ đỏ, Gia phả, Quy ước… giao
Trưởng họ quản lý. Mọi tài sản của Họ, kể cả đồ thờ, Gia phả, Đồ phả, Sổ đỏ...
phải được ghi vào Sổ Tài sản của họ. Việc kiểm kê tài sản được thực hiện mỗi
năm một lần.
Các chi trong họ khi
xây dựng nhà thờ riêng phải báo cáo với Ban tổ chức và được treo biển
HỌ CAO ĐĂNG làng Mân Trung, Đông Lĩnh
TP.Thanh Hóa , chi….
Điều 14: Tế lễ hàng
năm.
Nhà thờ họ đã được bài trí trang nghiêm, gian chính giữa thờ tự Tổ tiên,
gồm: Khởi tổ, ông Cao Đăng Bảng, Trưởng chi Nhất ông Cao Đăng Đệ, Trưởng chi
Hai ông Cao Đăng Đài và các bậc tiền nhân của 2 chi họ. Trong các gia đình thường
đến Đời thứ 5 (thực tế chỉ thờ 4 đời: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ) con cháu không
làm giỗ hàng năm nữa thì báo cáo Ban tổ chức, được quy về nhà thờ họ cùng Thủy
tổ, đó là những bậc tiền nhân của 2 chi họ.
Gian phía Đông là nơi thờ Thổ công và thần linh. Gian phía Tây là nơi
thờ bà Cô. Phía trên gian giữa là bức Hoành phi: " PHỤNG TỔ ĐƯỜNG"-Nhà
Thờ Tổ và hai bên là 2 câu đối.
Những ngày Họ tổ chức lễ tế: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy hàng năm và
ngày Giỗ Tổ Họ. Vào những ngày này con cháu trong họ gần xa có trách nhiệm về
Nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ dâng lên các Cụ Tiên tổ, các bậc tiền nhân...
Thành phần cúng lễ: Tộc trưởng, thành viên xướng lễ, các bồi tế và các
con cháu trong dòng họ (không phân biệt nội ngoại, dâu, rể).
Trong quá trình làm lễ phải đảm bảo tính nghiêm trang, tôn kính và tuyệt
đối cấm các hành vi, lời nói phản cảm ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh và sự tôn
trọng đối với bề trên.
Chương IV: TÀI CHÍNH CỦA HỌ
Điều 15: Tài chính của dòng họ
Tài chính của dòng họ được hình thành từ các nguồn:
- Tiền đóng góp của mỗi Đinh (dùng chi quỹ xây dựng, hương khói)
- Tiền ủng hộ hoặc tài trợ không điều kiện của các cá nhân hoặc tập thể
trong và ngoài dòng họ, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và
nước ngoài.
- Tiền công đức tại Lễ dâng hương (thùng công đức) được tổ chức hàng năm
và những nguồn thu khác (nếu có).
- Tiền đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài
Điều 16: Quỹ họ và
quản lý quỹ họ.
Các khoản chi: Trên cơ sở các khoản thu có
được Ban tổ chức quyết định các khoản chi sao cho phù hợp và cân đối được tài
chính.
Quỹ khuyến học: Dùng để chi cho khuyến học,
khuyến tài
Quỹ tổng hợp: Dùng để chi cho các công
việc của họ, gồm: chi thăm hỏi, mừng thọ, giỗ tết, trùng
tu tôn tạo Nhà thờ, Lăng mộ ... Mỗi năm họp họ đều có bản quyết toán tài chính
công bố công khai.
- Quản lý quỹ họ thực hiện trên nguyên tắc tài chính công khai theo đúng
quy định quản lý tài chính Nhà nước. Phải có đủ chủ tài khoản, kế toán và thủ
quỹ.
- Tiền quỹ, ngoài phần để lại chi thường xuyên, phần lớn phải gửi tiết
kiệm qua ngân hàng không ai được quyền giữ riêng và cũng không cho cá nhân
vay- nếu ai vi phạm phải chịu trách
nhiệm cá nhân, thu hồi, bồi hoàn lại quỹ cho Họ. Khi gửi và rút tiền tại Ngân
hàng phải có 2 thành viên cùng ký.
Chương V: KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 17: Người có công đóng góp được biểu dương, khen
thưởng; người có khuyết điểm chiếu theo quy ước dòng họ để phân giải, giáo dục.
- Người có công lao đóng góp lớn cho công việc của dòng họ, khi xin nghỉ
hoạt động có lý do chính đáng thì được Ban tổ chức dòng họ xét tặng phẩm lưu
niệm (nếu có điều kiện). Giá trị của tặng phẩm nhiều hay ít tùy sự đóng góp của
đương sự và khả năng tài chính của Họ.
- Người có thành tích xuất sắc trong các mặt hoạt động của xã hội được
Đảng, Nhà nước vinh danh, có công đối với dòng họ Cao Đăng được tôn vinh thì
được ghi vào trang “sổ vàng” của dòng họ.
- Dòng họ tổ chức trao Kỷ niệm chương của dòng họ cho những người giữ
chức vụ từ hàng ngũ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Ban ngành trở lên, những người
biết làm kinh tế giỏi.
- Các cháu thi đậu THPT công lập, dân lập, học sinh giỏi cấp tỉnh, các
cháu đỗ Đại học, Trung cấp, Cao đẳng, làm luận án Thạc sỹ, Tiến sỹ. Người có Đề
tài cấp Quốc gia, được tôn vinh trong Lễ cúng Tổ tiên và được nhận tặng phẩm.
- Giá trị tặng phẩm do Ban tổ chức quyết định hàng năm, tùy theo khả năng nguồn quỹ khuyến
học của Tộc mà động viên khen thưởng.
Điều 18: Người nào vi
phạm các điều khoản trong bản Quy ước này thì sẽ được nhắc nhở, nếu cố ý tái
phạm, qua nhiều lần Tộc
giáo dục rèn luyện, bảo lãnh vẫn không tiến bộ làm tổn thương đến
danh dự, uy tín của gia đình và dòng tộc thì phê bình, cảnh cáo,
làm kiểm điểm cam kết trước Ban tổ chức
dòng họ, không tái phạm.
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN
Điều 19: Bản Quy ước này đã được các thành viên trong họ góp
ý xây dựng, Ban Tổ chức dòng họ, Trưởng họ và mọi thành viên trong dòng tộc Cao
Đăng có trách nhiệm thực hiện đúng Quy ước này.
Không một ai
được quyền làm trái hay tự quyết sửa đổi các điều khoản quy ước
này. Trong
quá trình thực hiện, khi thấy cần thiết, Ban tổ chức dòng họ sẽ đề nghị Hội
nghị dòng tộc bổ sung hoặc sửa đổi nội dung các điều khoản cho phù hợp với thực
tế.
Quy ước này có hiệu lực từ ngày được Hội nghị tộc Cao Đăng thông qua và
Ban tổ chức ký, ngày 11/8/2022, là ngày 14/7/ Nhâm Dần 2022
BAN TỔ CHỨC HỌ CAO
TRƯỞNG BAN
Cao Đăng Thả