Họ Cao Đăng - Mân Trung
Mân Trung, Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa, Việt Nam

PHỤ PHẢ 4- Những nét văn hóa đặc trưng của dòng họ

Cao Văn Thăng đăng lúc 01/03/2021 08:22. xem:785

NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG TRONG LỊCH SỬ 

   PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ CAO ĐĂNG – MÂN TRUNG

Từ ngày thành lập họ đến nay, trải qua 340 năm là hơn 3 Thế kỷ, dòng họ Cao Đăng mang đầy đủ Ba tính chất đặc trưng theo thời gian trong sự phát triển của mình. Đó là: 1-Tính kế thừa, truyền thống và liên tục. 2-Tính Văn hóa dân tộc bao trùm. 3-Tính hiện đại và mang ý nghĩa thời đại


Đặc trưng thứ Nhất là tính kế thừa, truyền thống và liên tục.

Thửa sơ khai năm 1680 chỉ có 3 vị tiền bối từ tỉnh Hải Dương di cư vào lập nghiệp tại làng Mân Trung và lập nên dòng họ Cao Đăng. Các vị tiền bối ngay buổi ban mai của dòng họ đã chú tâm gây dựng cơ đồ lập nên dòng họ, với 2 chi song song tồn tại. Từ chỗ chỉ có 3 đinh như 3 trụ cột đến nay gia đình họ Cao đã có trên 347 đinh bề thế. Sự lớn mạnh về con người là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của thế hệ, là sức mạnh của dòng tộc. Ở mỗi thời kỳ tổ tiên luôn chăm lo cho sự phát triển, bằng việc lập nên các Ban tổ chức các thời kỳ để chăm nom, chăm sóc, hương khói cho tổ tiên. Đến nay đã có 8 ban tổ chức qua các thời kỳ được thành lập, và đảm đương nhiệm vụ một cách có kế hoạch.

 Người đầu tiên đứng ra thành lập Ban tổ chức là cụ Cao Đăng Bắc- Chi 1, đời 6. Các lần tiếp theo đều có sự thay đổi bổ sung để có tính kế thừa và không sao nhãng việc họ. Người đứng đầu Ban tổ chức thường là ông Trưởng họ. Khi Trưởng họ vì điều kiện nào đó không ở địa phương thì ủy quyền cho em kế. Ở tuổi già không đủ sức khỏe làm trưởng ban, thì họ bầu người đứng đầu là người bề trên khác có uy tín, tâm huyết với việc họ. Trong họ còn có người cao tuổi, thì Ban tổ chức luôn luôn phải lấy ý kiến cho mỗi việc quan trọng của họ.

 Mỗi thời kỳ Ban tổ chức đều có kế hoạch công việc cụ thể, như tu bổ nhà thờ, lăng mộ, giỗ chạp, tết, hương khói tổ tiên. Đặc biệt có một số thời kỳ Ban tổ chức đề ra việc lớn và được bà con trong họ hưởng ứng. Đó là Năm 1992, thời kỳ di chuyển mộ tổ từ phía sau ra phía trước núi Voi, xây Đài tưởng niệm. Năm 2005, tổ chức xây dựng lăng bia, quy hoạch khu mộ tổ trang nghiêm bề thế. Năm 2011, chủ trương làm lại gia phả theo hướng hiện đại, xác định nguồn gốc, thời gian tổ tiên đến lập nghiệp, lập họ, bổ sung hoàn chỉnh chi tiết các đời, viết tiếp đời thứ 9 và 10, làm phả đồ treo tại nhà thờ. Năm 2019, nhiệm vụ của Ban tổ chức nhiệm kỳ này rất quan trọng là tổ chức xây dựng cải tạo nâng cấp nhà thờ lên 2 tầng, theo nguyện vọng của đa số con cháu trong họ. Tổ chức khánh thành và làm lễ kỷ niệm 340 năm thành lập họ 1680-2020. Mọi công việc đã thành công viên mãn. Năm 2020, sau 10 năm gia phả 2011 ra đời, chúng ta tổ chức chỉnh sửa gia phả, bổ sung các sự kiện, các thay đổi các đời, và viết tiếp đời thứ 11.

Như vậy, qua cách tổ chức và duy trì hoạt động từ khi lập họ đến nay, nhà thờ luôn được cải tạo tu bổ nâng cấp, lăng mộ vững chãi yên bề, khói hương ấm cúng, lan tỏa 340 năm nay.

Có thể nói đặc trưng thứ nhất về tính kế thừa, truyền thống và liên tục là biểu hiện khá rõ nét trong cộng đồng họ Cao.


Đặc trưng thứ Hai là tính Văn hóa dân tộc bao trùm.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, theo trào lưu của dân tộc, văn hóa xây dựng nhà thờ miếu mạo, tôn vinh ông bà tổ tiên, được các vị tiên tổ họ Cao luôn chú tâm xây dựng. Trong tâm khảm sâu xa, tổ tiên họ Cao vẫn canh cánh trong lòng là mong muốn để lại cho đời sau những di sản tinh túy, bền vững nhất. Năm 1945, là năm khó khăn nhất của cả nước do nạn đói gây ra, khi đời sống còn vất vả, nhiều nhà dân còn ở nhà tranh tre, vách đât, các cụ vẫn dành tâm huyết xây dựng nhà thờ. Chỉ đạo con cháu chọn mua nhà gỗ lim, gạch, ngói tốt …, là những vật liệu quý hiếm thời bấy giờ để xây dựng nhà thờ. Thế mới thấy cái tâm của tiên tổ dành cho con cháu lớn lao thế nào.

Ý nghĩa này còn được bao trùm trong những câu đối nhà thờ các cụ ghi tạc trên tường. Các câu đối này về sau, năm 2019, con cháu đã chuyển sang bản gỗ, sơn son thếp vàng như ngày nay. 

Hệ thống câu đối trong nhà thờ mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở con cháu đời sau:

Chính giữa nhà thờ là bức Đại tự : Phụng Tổ Đường –Nhà thờ Tổ.

Hai bên có 2 câu đối bằng chữ Hán;

Câu đối Một: - Tổ Tôn Công Đức Thiên Niên Tại

                      - Miêu Duệ Khánh Thành Vạn Đại Xương

Dịch nghĩa:   - Kính trọng công đức của tổ tiên, ngàn năm tồn tại

                       -Con cháu khánh thành (từ đường), muôn đời hưng thịnh


Câu đối Hai: - Triệu Bồi Đức Đại Xuân Sinh Mãn

                      -Nguyên Bản Tư Thâm Lễ Đối Trường

Dịch nghĩa: - Bồi đắp ơn đức gây dựng ban đầu (của tổ tiên) đem lại mùa xuân sinh sôi sung mãn.

                    - Suy nghĩ sâu sắc về cội nguồn phải đáp lễ lâu dài


Từ thế hệ Đời thứ Bảy, thứ Tám … năm 2019 khi xây dựng nâng cấp nhà thờ lên 2 tầng, có làm 4 cột Nanh làm cổng, biểu tượng như những người lính canh giữ nhà thờ. Trên cột tạc những câu đối vẫn mang hàm ý sâu sắc nhắc nhở con cháu phụng sự tổ tiên.

Trên các trụ cột phía trước (ngoài nhìn vào)

Câu đối chính giữa cột cao 2 bên có nội dung:

                        - Tộc Tính Quý Tôn, Vạn Đại Trường Tồn Danh Kế Thịnh

                       - Tổ Đường Linh Bái, Thiên Niên Hằng Tại Đức Lưu Quang

Nghĩa là:       - Họ hàng tôn quý, công danh muôn thuở chẳng phai mờ.

                      -Tổ miếu thiêng liêng, phúc đức nghìn thu còn tỏa sáng


Câu đối cột thấp 2 bên có nội dung:

                    - Hữu Khai Tất Tiên, Minh Đức Giả Viễn Hỹ

                    - Khắc Xương Quyết Hậu, Kế Tự Kỳ Hoàng Chi

Nghĩa là:     - Lớp trước mở mang, đức sáng lưu truyền vĩnh viễn

                    -Đời sau tiếp nối, phúc cao thừa kế huy hoàng

 

 Phía trong nhìn ra: 2 câu chính giữa cột cao có nội dung:

                     - Tử Lý Phần Hương Y Cựu Nhi Giang Sơn Tăng Mỵ

                     - Tùng Song Cúc Kính Quy Lai Chi Cảnh Sắc Thiêm Xuân

Nghĩa là:  - Sông núi quê xưa thêm vẻ đẹp

                 -Cúc Tùng cảnh mới đượm màu xuân

 

Hai câu 2 bên cột thấp có nội dung:

                - Thượng Bất Phụ Tiên Tổ Di lưu Chi khánh

                - Hạ Túc Vi Hậu Nhân Chiêm Ngưỡng Chi Tiêu

Nghĩa là - Trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại

                 -Dưới nêu gương con cháu noi theo


Trong kiến trúc nhà thờ mới nâng cấp, văn hóa xây dựng còn được thể hiện tâm linh nhà thờ qua ý nghĩa các con Linh vật được kiến tạo trên 4 cột Nanh trước cổng.

Những Cột nhà thờ này giúp ngăn chặn tà khí bên ngoài xâm nhập vào bên trong nhà thờ, biểu tượng của người canh gác nhà thờ, bảo đảm sự thanh tịnh, không gian trong lành cho nhà thờ, từ đó mong muốn đời sống của con cháu được bình an, yên bình, khỏe mạnh.

Trên đỉnh 2 cột cao chính giữa được lắp đặt vật linh thiêng, mỗi cột là 4 con chim Phượng hoàng chụm đuôi vào nhau, 4 đầu quay ra 4 hướng Đông Tây Nam Bắc thể hiện cho cái nhìn thấu 4 phương tám hướng của linh vật. Đó cũng là sự răn đe và nhắc nhở mọi người đến đây hành lễ phải có tâm trong sáng, duyên khởi phúc lành.

Trên đỉnh 2 cột thấp hai bên, được gắn 2 con Nghê chầu, biểu tượng canh giữ nhà thờ. Nghê đứng từ trên cao nhìn xuống, mang hàm ý kiểm soát tâm hồn của những người ra vào. Nếu tâm không thiện, không tốt, không xứng đáng thì sẽ bị sự kiểm soát này trừng phạt.

Nghê sánh với phượng hoàng là những vật linh tượng trưng cho cõi trên.

Như vậy, tính Văn hóa dân tộc bao trùm, đã được thể hiện trong ý nghĩa từng câu đối, từng lối xây dựng kết hợp vật linh thiêng trong dân gian.


Đặc trưng thứ Ba là Tính hiện đại và mang ý nghĩa thời đại

Trong tư tưởng chỉ đạo, Tộc họ Cao đã hướng cho con cháu có tư tưởng không ngừng sáng tạo hội nhập, không ngừng học hỏi vươn lên, nắm bắt khoa học kỹ thuật, tự mình làm chủ cuộc sống. Họ đã tổ chức thành công Hội khuyến học, khuyến tài, động viên, khích lệ con cháu thi đua học tập. Chỉ từ hòa bình lập lại đến nay, đã có 101 con cháu thi đỗ từ Cao Đẳng, Đại Học đến Thạc Sỹ Tiến sỹ. Có 1 Tiến sỹ và 12 Thạc sỹ, nhiều người nắm giữ các địa vị cao trong xã hội, trong quân đội, công an nhiều người được phong hàm Trung Cao Cấp.

Việc tổ chức các sự kiện lớn trong họ đã được quan tâm, các việc lớn nhỏ đều tổ chức lấy ý kiến mọi người, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong họ.

Năm 2019, đã tổ chức xây dựng và khánh thành nhà thờ mới nâng cấp. Làm Lễ kỷ niệm 340 năm lập họ, con cháu khắp mọi miền về dự đông đủ. Hình ảnh được quay Video gửi lên YouTuber.

Gia phả họ Cao Đăng đã được đưa lên Internet, có tên Miền riêng, bề thế hiện đại. Hàng ngũ con cháu thời nay ai cũng có Điện thoại thế hệ mới, thời đại 4.0, nên những sự kiện lớn trong họ, ở mọi miền đất nước ai cũng cập nhật được, hiểu rõ tình hình phát triển của dòng họ, qua Internet thấy mình trong đó, gần gũi mà không bị bỏ rơi. Những việc làm đó đã đưa con cháu họ Cao bắt kịp thời đại, hy vọng còn vươn xa hơn nữa.

Tính hiện đại còn được thể hiện trong kiến trúc nhà thờ lăng mộ. Đối với nhà thờ, từ xưa các cụ đã xây dựng sắm sửa theo lối truyền thống, tinh vi trong trạm trổ, đầy đủ trong bố cục. Đến đời con cháu ngày nay, nhà thờ đã được nâng cấp lên 2 tầng, tầng 2 là nơi thờ tự vẫn giữ được nét truyền thống cổ kính của tổ tiên. Đặc biệt khu lăng mộ được đầu tư xây dựng, có bia đá khắc ghi lịch sử dòng họ, có nhà bia bảo vệ, các mộ tổ được ốp đá vĩnh hằng. Đó là tâm huyết của con cháu đối với tổ tiên. Có thể nói từ nhà thờ đến lăng mộ dòng họ Cao đã rất chỉn chu, bề thế, hiện đại mà vẫn mang giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam.

Sống trong thời đại mới, thời đại 4.0, mỗi người chúng ta, hãy tự hào mình là con cháu họ Cao, có những nét văn hóa đặc trưng của dòng họ. Đó là tính kế thừa, truyền thống và liên tục. Tính Văn hóa dân tộc bao trùm. Tính hiện đại và mang ý nghĩa thời đại một cách sâu sắc, không dễ gì dòng họ khác có được. Hãy tự hào. Gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau./.


Bình luận ( 0 )
Giải thích phần Phả ký về “Nguồn gốc dòng họ” (1) Trong phần...
.