Họ Cao Đăng - Mân Trung
Mân Trung, Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa, Việt Nam

Phả ký-dòng họ Cao Đăng -Mân Trung

Cao Văn Thăng đăng lúc 19/05/2021 02:53. xem:1048

NGUỒN GỐC DÒNG HỌ VÀ VIỆC LẬP GIA PHẢ

Về nguồn gốc và thời gian dòng họ di cư vào Thanh Hóa lập nghiệp.


    Khoảng thế kỷ 17 năm Chính Hoà thứ Nhất 1680 (xem phụ lục 1), nước nhà có binh biến nhân dân ta muôn vàn cực khổ, phải bỏ làng mạc quê hương di cư vào phía Nam.

Trong số những người từ tỉnh Hải Dương di cư vào Thanh Hóa lập nghiệp, có cụ tổ họ Cao Đăng là Cao Đăng Bảng.

    Sở dĩ ta biết được điều đó nhờ vào việc thuở xưa các ông tổ ở các họ đầu tiên đến sinh cơ lập ấp, lập nên làng, phải có chấp bằng địa bạ khoán ước giấy tờ minh bạch, ghi rõ quê quán cũ của mình. Đó là một trong những căn cứ để bầu ra người lãnh đạo làng. Người lãnh đạo làng có nhiệm vụ trông coi trật tự xã hội, quan hệ với trong ngoài, trên dưới, sắp đặt họ nào đến trước, họ nào đến sau.

Thời đó ghi trong địa bạ giấy tờ, họ Cao đến đầu tiên rồi đến họ Bùi, dần dần đến các họ Phạm Văn, họ Nguyễn Đình ...  Các cụ đều khai lý lịch, ghi quê quán, tên cha mẹ, quê cũ của mình.

 


 Hương ước của làng năm Chính Hoà 16- 1696


    Trong Địa bạ, Hương ước của làng bằng chữ Hán, hiện nay ông Nguyễn Đình Vạn (Đại tá về hưu) đang cất giữ có tên cụ Cao Đăng Bảng (Chức Quan viên), Cao Đăng Đệ (chức Quản thủ), Cao Đăng Đài, là những người đầu tiên ký Hương ước ấy. Đó là năm Chính Hoà 16 (1696). Cùng ký Hương ước ấy họ ta còn có ông Cao Đăng Khoa, Cao Đăng Kiều (quan viên tử).

Sổ sách ghi họ ta có tên cụ Cao Đăng Bảng, Cao Đăng Đệ và Cao Đăng Đài. Ba cụ trên đây là những người dẫn đầu họ Cao từ Hải Dương đến làng Mân Trung lập nghiệp. Cụ Cao Đăng Bảng là người có danh tiếng trong làng đã làm thủ khoán làng văn, ông lại có sắc phong của nhà nước: “Chánh đội trưởng Phó thiên hộ”, cụ là tiên chỉ của làng. Như vậy, ông tổ của họ Cao từ Hải Dương vào khoảng Thế kỷ 17 năm 1680


Về việc thiết lập gia phả và thành lập họ, lập các Chi trong họ 

   Gia phả của họ được lập bằng chữ Hán. Có thời gian bị thất lạc, sau tìm thấy nhưng mất đoạn đầu. Thời gian sau họ cao mất gia phả, lý do là: từ đường ông Cao Đăng Bình (chi 1, cành 1, đời thứ 5), bị đau bụng kinh niên, lại vì không có con trai, ông giận mình mà đốt mất gia phả. Từ đó họ sưu tầm không thấy được tông tích của ông bà Thủy tổ, mà chỉ biết được có 3 người con trai của ông Tổ kế truyền lại đến nay.

   Kế tiếp Từ đường là ông Cao Đăng Thuận (chi 1, cành 1, đời thứ 5). Ông Thuận là em ông Bình. Thời gian ngắn ông Thuận chết trẻ, giao quyền lại cho con trai cả là ông Cao Đăng Bắc (chi 1, cành 1, đời thứ 6). Khi đó gia đình ông Bắc tương đối đầy đủ, ông mời toàn họ tập trung tại nhà ông họp bàn về việc làm nhà thờ và sưu tầm tông tích tổ tiên để lập bản gia phả mới. Mọi người rất đồng ý và cùng chung một ý nghĩ: Sông còn có nguồn, có suối. Cây xanh cũng có gốc có rễ. Con người sống cũng phải có tổ tông, con thì có cha, có mẹ. Nếu mà không có gia phả, chẳng biết ai là anh em, chú bác. Không biết ai là nội ngoại, thân sơ nhà mình, ai cũng tán đồng và định ngày làm.

Họ mời các cụ nhiều tuổi nhất trong họ và các cụ nhiều tuổi có kinh nghiệm trong làng về dự bàn làm. Bậc lão thành hay chữ có cụ Phạm Nguyên Thiện, cụ Phạm Xuân Mai. Đồ nho có ông Phạm Văn Hảng, ông Nguyễn Tấn Thân, ông Phạm Xuân Phú. Các cụ mở ống khoán của làng ra xem, thì thấy chính xác tên cụ Cao Đăng Bảng đã làm thủ khoán làng văn, ông lại có có sắc phong của nhà nước “Chánh đội trưởng Phó thiên hộ”, nên họ tôn cụ Bảng là khởi tổ thứ Nhất của họ, tôn cụ Đệ kế tổ rồi đến cụ Đài

   Họ Cao đã có chi Nhất là cụ Bảng, cụ Đệ, cụ Đài là con thứ Ba, khi phân chi thì cụ về chi Hai.

Như vậy con cháu đến nay đã biết được tổ phụ, tổ quán của dòng họ. Vị tổ phụ đầu tiên là Cụ Cao Đăng Bảng, tổ quán của chúng ta là làng Mân Trung xã Đông Lĩnh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Nay là làng Mân Trung, phường Đông Lĩnh TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Quyển gia phả do ông Bắc làm mới cũng bằng chữ Hán. Được lưu tại gia đình ông Cao Đăng Đường (đời 7, chi 2) cho đến những năm 2000, sau bị mối mọt, đã hư hỏng, nhưng đã được hai ông Cao Đăng Hán và Cao Đăng Tiệp dịch ra chữ Quốc ngữ, ông Cao Đăng Vỹ ghi lại vào năm 1962. 

   Trải qua bao thời gian các bậc tiền bối đã cần cù lao động, sống bằng nghề nông là chủ yếu, với mong muốn xây dựng cho con cháu đời sau một tương lai tươi sáng, ngày càng phát triển đi lên.

Đất nước trải qua nhiều binh biến, các bậc tiền bối cũng như con cháu chúng ta cũng đã xả thân vì đại nghĩa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người tham gia quân đội, công an được phong hàm Trung, Cao cấp.

   Thời kỳ chống Pháp họ ta đã có 08 người đi bộ đội, 08 người đi dân công tiếp viện, có 02 người tham gia nghĩa vụ Quốc tế bên Lào, 02 người đi Thanh niên xung phong.

Thời chống Mỹ có trên 60 người tham gia quân đội NDVN. Có 11 người đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sỹ, 07 người là thương binh, bệnh binh. 02 mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”: bà Phạm Thị Ven và Trần Thị Toái. 01 người (ông Cao Đăng Thao) hai lần được phong danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Nhiều người trong họ được thưởng Huân, Huy chương cao quý do Nhà nước phong tặng. Trong xã hội, họ ta đã có nhiều người tham gia cán bộ lãnh đạo từ cấp thôn, xã phường, huyện quận, tỉnh, đến cấp Trung ương, với các chức vụ: Hàm Thứ trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc các ngành, các tổ chức xã hội cấp tỉnh. Chủ tịch Công đoàn Quận, Trưởng Công an huyện, Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Đội nông dân xã…(xem phụ lục 2).

Hoà bình lập lại nhiều con cháu đã tích cực học tập đạt học vị cao, tính đến nay - 2020, đã có trên 101 người có trình độ từ Cao Đẳng, Đại học, Thạc sỹ đến Tiến sỹ. Trong đó có 12 người học hàm Tiến sỹ, Thạc sỹ (phụ lục 3).

   Một số tu nghiệp học tập ở nước ngoài, nhiều người thoát luỹ tre làng làm công nhân các nhà máy xí nghiệp trên mọi miền đất nước, nắm các cương vị lãnh đạo trong xã hội.

Họ đã tổ chức được Hội khuyến học, khen thưởng kịp thời các cháu đỗ Đại học, giáo dục con cháu hướng về cội nguồn. Chính vì lẽ đó họ ta đã được UBND xã Đông Lĩnh hai lần cấp “Giấy chứng nhận dòng họ hiếu học tiêu biểu”. Đó là niềm tự hào của họ ta, đồng thời cũng là tấm gương để con cháu tiếp tục truyền thống gia đình và dòng họ. Phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc của gia đình mình, góp phần xây dựng dòng họ, cộng đồng xã hội ngày càng phát triển.

   Cùng với thời gian, chúng ta đã dần thiết lập hoàn chỉnh gia phả dòng họ. Năm 2011, hoàn chỉnh gia phả đến đời thứ Mười và đã lập được phả đồ dòng họ treo tại nhà thờ.

Năm 2018, Gia phả của họ đã được đưa lên trang Internet, con cháu mọi miền có thể truy cập rộng rãi. Mọi người có thể vào trang Web: “hocaomantrung.hotoc.vn” là tìm được mọi thông tin Dòng họ.

Năm 2019, khi tổ chức khánh thành nhà thờ được nâng cấp lên Hai tầng và làm Lễ kỷ niệm 340 năm dòng họ Cao Đăng, chúng ta đã quay phóng sự Video kỷ niệm và đưa lên YouTuber, mọi người vào YouTuber, gõ: “le ky niem 340 nam dong họ cao dang” để xem và cảm nhận.

Năm 2020, Gia phả tiếp tục được bổ sung các sự kiện, bổ sung thay đổi các đời và viết tiếp đời thứ 11.

   Gia phả tu chỉnh lần thứ 6 này được viết rất chi tiết, đầy đủ, những lần bổ sung sau không cần viết lại từ đầu mà chỉ làm bản phụ lục phần bổ sung, đính kèm gia phả.

 

 

 


Bình luận ( 0 )
LỜI NÓI ĐẦU GIA PHẢ 02/03 2021 04:19, xem:4954
GIA PHẢ HỌ CAO ĐĂNG - MÂN TRUNG Lời Nói Đầu Gia...
Phả ký-dòng họ Cao Đăng -Mân Trung 19/05 2021 02:53, xem:1048
GIA PHẢ HỌ CAO ĐĂNG - MÂN TRUNG 18/04 2018 16:15, xem:6119
NHÀ THỜ TỔ TIÊN DÒNG HỌ CAO ĐĂNG 05/03 2021 09:54, xem:1086
MỘ CHÍ DÒNG HỌ CAO ĐĂNG 06/03 2021 03:05, xem:1086
HỆ THỐNG CÂU ĐỐI NHÀ THỜ 08/03 2021 08:32, xem:1993
BẢN DỊCH GIA PHẢ CHI NHẤT 29/05 2021 09:25, xem:919
BẢN DỊCH GIA PHẢ CHI HAI 29/05 2021 10:39, xem:784
THỐNG KÊ THÀNH VIÊN ĐẾN NĂM 2023 07/09 2023 03:57, xem:554
.