Họ Cao Đăng - Mân Trung
Mân Trung, Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, Thanh Hóa, Việt Nam

NHÀ THỜ TỔ TIÊN DÒNG HỌ CAO ĐĂNG

Cao Văn Thăng đăng lúc 05/03/2021 09:54. xem:1087

 NHÀ THỜ TỔ TIÊN DÒNG HỌ CAO ĐĂNG

 Nối theo tôn thống từ đường, trông coi từ đường khi đó là ông Cao Đăng Bắc (chi 1, cành 1 đời 6). Ông Bắc sinh được con trai là Cao Đăng Mậu, vì còn bé nên họ cử ông Cao Đăng Đãi là con trai cả ông Chánh thay ông Mậu, trông coi từ đường. Thời gian ông Đãi làm từ đường, họ góp tiền quỹ xây dựng bằng lúa, lúc đó là 200 đấu thóc.

  Năm 1945 kháng chiến chống thực dân Pháp lệnh phá hoại thị xã (TP Thanh Hoá bây giờ), họ họp bàn bán lúa mua một lô nhà bằng gỗ lim chuyên chở về rồi thuê thợ làm một ngôi nhà thờ 3 gian bằng gỗ lim, có 1 cửa lớn, 2 cửa sổ bằng gỗ lim, xây tường lợp ngói. Bà con trong họ đóng góp thêm công với quỹ lúa đủ tiền làm xong nhà thờ. Nhà thờ làm trên mảnh đất diện tích 6 thước của họ tại thôn Phú phường Đông Lĩnh hiện nay. Nhà thờ được khánh thành vào năm 1947.

   Thời gian này việc trông coi nhà thờ là ông Đãi, ông Đãi mất sớm không có con trai nên không có người trông coi nhà thờ.

Chi Nhất còn 2 ông Cao Đăng Kỳ, Cao Đăng Thả là con ông Quảng, lẽ ra là người kế tiếp trông coi từ đường, nhưng hai ông đang đi công tác xa.

  Lúc bấy giờ, ông Cao Đăng Văn là con ông Toàn thuộc Chi Hai xung phong lên trông coi nhà thờ, được cả họ đồng ý tạm giao cho ông Văn, chờ khi ông Kỳ, ông Thả về giải quyết sau. Họ yêu cầu ông Văn và gia đình ở phải trông coi quét dọn sạch sẽ, đèn hương khi giỗ tết. Nhà thờ hư hỏng phải sửa chữa, không được di chuyển và lấy bán của cải nhà thờ, không được đưa công cụ, vật tư...lên trên nhà thờ. Hoà bình lập lại, ông Kỳ, ông Thả về đã cùng dòng họ tiếp tục duy trì hoạt động của nhà thờ đến nay.

 Trong những năm tiếp theo gần đây dòng họ tiếp tục quyên góp để tôn tạo, làm mới nhà thờ, nội dung tôn tạo:

- Năm 2005: bàn thờ cũ cùng với 2 bát hương, con Nghê, hương án cổ… ngày xưa các cụ để lại nay đã tu sửa lại vẫn sử dụng tại nhà thờ. Năm 2005 mua sắm mới: Bàn thờ lớn, quần áo tế lễ, cờ lễ hội, hồng kỳ, quốc kỳ…

- Năm 2006: Đảo ngói, lát gạch nền nhà, mở rộng diện tích phía trước nhà thờ, trồng cây Đa, cây Đề, xây tường rào, làm hòn non bộ…

- Cổng nhà thờ được xây dựng mới vào năm 2006

- Hệ thống cửa chính gỗ lim (3 bộ) được làm lại vào năm 2011, mỗi hộ đóng góp 200.000đ, trị giá 3 bộ cửa trên 23 triệu đồng.

Đến năm 2010, khuôn viên nhà thờ đã được tách làm 2 phần: khu vực nhà ngang nhà thờ gia đình ông Văn bà Hường ở đã được tách trích lục riêng.

Phần khuôn viên nhà thờ còn lại thuộc đất nhà thờ, đã được UBND huyện Đông Sơn cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, diện tích 112m2 là căn cứ Pháp lý để cả họ yên tâm thờ phụng ông bà tổ tiên.

  

Tháng 7 năm 2019, nhà thờ được nâng cấp lên 2 tầng, khang trang đẹp đẽ. Tầng 2 vẫn nếp nhà gỗ cũ 3 gian, lợp ngói mũi hài, đỉnh mái có đắp “lưỡng long chầu nguyệt”. Tuy 2 tầng nhưng tầng 2 vẫn giữ được nét cổ kính tôn nghiêm. Bên trong phần nội thất nhà thờ bao gồm các ban thờ: chính giữa là Cao tộc, bên phải là thờ thổ công, bên trái là thờ Bà cô tổ, có hoành phi câu đối bài trí trang nghiêm, là nơi thờ phụng tiên tổ. Tầng dưới làm nơi sinh hoạt cộng đồng họ Cao.


Công trình này đã huy động vốn lớn: 670.341.000, trong đó tiền đóng góp theo Đinh 170.500.000, tiền cung tiến 488.550.000 còn lại là thu khác…

Hệ thống câu đối nhà thờ, xưa các cụ ghi tạc bằng chữ Hán vào tường nhà thờ, đến đời thứ 7, thứ 8 hậu duệ đã chuyển sang bản khắc gỗ, sơn son thiếp vàng như ngày nay.

Nét cổ kính tôn nghiêm của nhà thờ được thể hiện qua hệ thống câu đối trong nhà thờ và cổng nhà thờ.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH NHÀ THỜ TRƯỚC NĂM 2019

      

                    

                    Nhà thờ họ 1947-2019                                     Nhà thờ họ đến năm 2019 


        
Toàn cảnh bàn thờ họ đến 2019