GIA PHẢ HỌ CAO ĐĂNG - MÂN TRUNG
Lời Nói Đầu
Gia phả họ Cao được các bậc tiền bối viết bằng chữ Hán, chúng tôi xin trích lời nói đầu Bản dịch Gia phả họ Cao: “Gia phả là của nhà, do sử là của nhà nước, nước không có nhẽ không có sử, tức là nhà không có nhẽ không có gia phả. Cây phải có gốc, nước phải có nguồn, người phải có tổ tiên. Viết gia phả trước là để biết ơn tổ tiên, sau để lưu truyền, con cháu uống nước nên nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Núi sông còn có khi lở khi bồi, mà giống nòi có khi suy khi thịnh, biên (viết) gia phả chẳng phải là thủ cựu, họ ta đời trước cũng có điển tích trong Hương bạ. Theo trước lược biên (viết) nghe cũng có sự nghiệp, đến đời sau dần dần biến mất, nên sự nghiệp không tường, nghe mang máng ông tổ họ Cao đến trước nhất để lập ấp thôn Mân Trung này. Tai có nghe các cụ nói chuyện, nhưng mắt không thấy.
Sở dĩ có nhà thờ mà xem anh em như chân với
tay, nếu không có gia phả thì chẳng biết ai là anh, ai là em, đến ngày … tháng
Bảy năm… đời Vua Khải Định (1916-1925) nguyên niên hội họp anh em trong họ lập
thành bản gia phả này, đến nay vẫn ghi theo đời đời. Những người có học thức
nên ghi chép để lại cho đời sau, không nên coi bản Gia phả là thừa và không
quan niệm là của đời Đế quốc. Ta đánh đổ Đế quốc là đánh đổ chế độ bóc lột, chứ
không đánh đổ cái tốt đẹp của nó. Sử là của giống giồng nước ta, gia phả là của
tôn thống họ ta, ta không nên quan niệm như người dưng nước lã là vậy.
Theo lối viết gia phả: cứ hết đời nọ đến đời kia, trong một đời với
nhau, không kể là nhiều tuổi hay ít tuổi, hãy bố mẹ là đời trước thì con là
người đời sau chứ không kể lớn hay nhỏ. Có khi một người đến 20 tuổi với một
người mới sinh cũng là một đời gọi là bày
vai. Khi viết thì cứ con ông bác đứng trước, con ông chú đứng sau, ai là
anh thì đứng trước, ai là em thì đứng sau, chồng đứng trước, vợ đứng sau, con
trai đứng trước con gái đứng sau. Con gái mà gả chồng cho ai thì ghi cả tên họ
người chồng, nếu chồng là người làng thì ghi người làng, hay người xã khác thì
ghi cả xã huyện, tỉnh khác. Khi đã viết một người đứng lên hàng đầu thì phải
ghi người ấy là con ông nào, con trưởng hay con thứ. Những người bố mẹ đã sinh
ra mà chưa có vợ con chi cả mà bị chết đi thì ghi mất sớm, ghi cả ngày chết. Đời sau không nên viết người ấy vào gia phả
nữa. Người con gái đã sinh mà chưa gả chồng mà bị chết thì cũng ghi như trên.
Phàm viết gia phả không nên bỏ sót một người nào trong họ. Nếu một người lấy vợ
chính mà không có con, nên người ta lấy vợ hai thì phải biên (viết) vợ chính
trước vợ thứ đứng sau. Khi viết con thì không nên phân biệt con vợ thứ hay vợ
chính, cứ kể là con trai mấy người, con gái mấy người. Trường hợp con nuôi thì
cũng ghi cả, nhưng phải nói rõ là con trai hay con gái.
Trường hợp thứ 2 bố mẹ đã sinh ra con nhưng không nuôi được phải cho
người khác nuôi cũng phải ghi rõ cho ai, người ấy chính trú quán ở đâu, huyện
tỉnh xã nào”. (trích lời nói đầu gia phả
cổ chữ Hán của họ).
Ông
tổ của họ Cao chúng ta từ tỉnh Hải Dương vào sinh cơ lập nghiệp tại làng Mân
Trung xã Đông Lĩnh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá từ khoảng Thế kỷ 17 năm 1680,
đến nay đã được 340 năm. Từ khi sinh cơ lập ấp, lập họ đến nay, các cụ họ Cao
đã để lại cho con cháu những di sản quí báu đó là: Quyển gia phả bằng chữ Hán,
ba gian nhà thờ bằng gỗ lim, tường xây, ngói lợp khang trang mát mẻ, là nơi thờ
cúng tổ tiên, ngày giỗ tết con cháu tập trung bàn những công việc lớn nhỏ trong
họ.
Họ ta
có được cuốn gia phả bằng chữ Hán là vô cùng quý giá, nhưng đáng tiếc đến nay
bản gốc chữ Hán cũng không còn. Tuy nhiên, Gia phả của họ bằng chữ Hán, đã được
hai ông Cao Đăng Hán (đời 6) và Cao Đăng Tiệp (đời 7) dịch ra chữ Quốc ngữ. Ông Cao
Đăng Vỹ đời thứ Tám ghi chép lại vào năm 1962, từ đó con cháu mới biết được rõ hơn nguồn gốc tổ tiên
của mình.
Họ Cao Đăng làng Mân Trung được thành lập từ
năm 1680, đến nay - 2020, đã được 340 năm. Năm 2011, Gia phả họ Cao Đăng đã
viết đến đời thứ 10. Từ đó đến nay - 2020, đã được 10 năm, gia phả phải được
cập nhật, bổ sung những thay đổi trong từng gia đình về những con cháu mới sinh
ra, những ông bà quá cố, những sự thăng tiến, lập nghiệp của con cháu…, tiếp
đến là sự thay đổi về nhà thờ, lăng mộ của dòng họ. Các gia đình và Ban tổ chức
có trách nhiệm khai báo, tập hợp để ban biên tập ghi chép bổ sung vào gia phả.
Tuy nhiên, gia phả trên mạng Internet phải được cập nhật thường xuyên khi có
bất cứ sự kiện nào phát sinh trong dòng tộc.
NHỮNG THAY ĐỔI QUA 10 NĂM
2011 - 2020
Qua
10 năm, dòng tộc họ Cao ta đã có nhiều thay đổi tích cực trên các lĩnh vực:
củng cố xây dựng nhà thờ, lăng mộ, thêm nhiều thành viên con cháu ra đời, văn
hóa giáo dục tiếp tục phát triển ….
Năm 2019, thể theo nguyện vọng của đa số hộ
gia đình, con cháu, họ ta đã tiến hành cải tạo nâng cấp nhà thờ lên hai tầng.
Nếp nhà thờ cũ các cụ để lại, được đưa lên tầng 2, tầng dưới làm nơi sinh hoạt,
giỗ chạp, tế lễ…của cộng đồng dòng tộc. Công trình này đã hoàn thành vào tháng
7 năm 2019.
Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ hợi 2019, Dòng họ đã
long trọng tổ chức khánh thành nhà thờ mới, làm lễ tế tổ và lễ kỷ niệm 340 năm
thành lập dòng họ Cao Đăng 1680-2020. Theo lời mời và thông báo của Ban tổ
chức, đã có trên 200 con cháu khắp mọi miền đất nước về dự, có đầy đủ quan chức
đại diện chính quyền địa phương làng xã và các dòng họ khác trong làng tới dự,
chúc mừng. Đây là sự kiện hết sức trọng đại, từ khi lập họ đến nay mới có. Sự
kiện này, đã góp phần to lớn, cổ vũ tinh thần con cháu gần xa, tạo nên được sự
gắn kết trong đại gia đình dòng tộc, hướng về nguồn cội.
Ngoài việc nhà thờ được cải tạo nâng cấp lên
2 tầng, phần lăng mộ cũng được thường xuyên tu bổ chăm sóc, đã làm thêm con
đường vào lăng thuận lợi cho việc thăm viếng, tế lễ của bà con dòng họ. Cải tạo
nâng cấp lăng mộ trang nghiêm bề thế.
Các thành viên dòng tộc đã có sự phát triển
rất đáng khích lệ. Tổng các cháu tăng thêm trong 10 năm là 72 cháu (37 trai, 35
gái). Đến nay tổng số Đinh trong dòng tộc là 347 đinh, tăng 37 đinh so năm
2011.
Sự thay đổi bắt đầu từ đời
thứ 9.
Đời 9, năm 2011 có 81 đinh, năm 2020 có 88,
tăng 7 đinh và 5 cháu gái, tổng tăng đời 9 là 12 cháu.
Đời 10, năm 2011 có 54 đinh, năm 2020 có 72, tăng
18 đinh và 13 cháu gái, tổng tăng đời 10 là 31 cháu
Đời 11, năm 2011 chưa có đinh nào, nhưng năm
2020 có ra đời 12 đinh và 17 cháu gái, tổng tăng đời 11 là 29 cháu.
Chúng ta cũng vô cùng thương tiếc vĩnh biệt
các ông bà đã đi vào cõi vĩnh hằng. Từ năm 2011 đến 2020 là 12 người, trong đó
có 7 cụ bà, 5 cụ ông.
Lĩnh vực văn hóa phát triển không ngừng. Con
cháu học hành ngày càng tiến bộ, so với 10 năm trước- 2011, đã có thêm 25 cháu
vào Đại học, thêm 6 cháu có trình độ Thạc sỹ. Nâng tổng số người có trình độ
Tiến sỹ, Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng đến năm 2020 là 101 người (01 Tiến sỹ, 12 Thạc sỹ, 82 Đại học và 06 Cao đẳng)-xem
phụ lục 3
Những kết quả sau 10 năm là đáng khích lệ. Đó
chính là sức mạnh kết nối phát triển dòng họ ngày càng lớn mạnh, gắn bó anh em
trong tình đồng tộc, sẻ chia, đồng tâm, đồng thuận. Chúng ta tiếp tục xây dựng dòng
họ ngày càng lớn mạnh. Đó là thông điệp xuyên suốt thời gian, mọi người cùng cố
gắng gìn giữ bản sắc dòng họ để hương thơm muôn thuở.
Theo tinh thần đó năm nay - Canh Tý 2020, Ban tổ chức tiếp tục viết tiếp gia phả, trên nguyên tắc lấy nguyên nội dung Gia phả 2011, bổ sung những thay đổi trong đời sống dòng tộc qua 10 năm (2011-2020), viết tiếp đời thứ 11, để nối mạch chảy theo thời gian của dòng họ. Gia phả năm 2020 có tựa đề bìa: “Gia phả họ Cao Đăng làng Mân Trung, phường Đông Lĩnh, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa - Kỷ niệm 340 năm dòng họ Cao Đăng - Mân Trung 1680-2020.”
Trân trọng, xin mời đón đọc!